Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Nắng nóng kéo dài, bệnh dại bùng phát ở Sa Pa.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sa Pa, chỉ tính riêng đợt nắng nóng cao điểm vừa qua (từ ngày 4-6 đến 1-7), đã có 62 bệnh nhân là người địa phương đến trung tâm để tiêm phòng vắc-xin phòng dại, do bị chó, mèo cắn hoặc cào xước gây nguy cơ lây nhiễm bệnh dại. Tính từ tháng 5 đến nay, đã có 152 bệnh nhân, đủ các lứa tuổi, đa số là thanh, thiếu niên phải đến trung tâm tiêm phòng vắc-xin kháng dại, do chó, mèo gây ra.
Trung tâm Y tế huyện Sa Pa
Ông Ngô Xuân Cảnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết: “Năm nay, nắng nóng kéo dài, với cường độ cao nên bệnh dại bùng phát mạnh trên đàn chó, mèo… từ đó lây lan sang người. Chúng tôi đang tập trung nhân lực, vắc-xin để tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trên địa bàn, nhằm hạn chế thấp nhất bệnh dại lây lan sang người”.
Bác sĩ Lê Văn Căn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Pa lo ngại, nói: “Điều làm chúng tôi lo ngại nhất là, trong số bệnh nhân đến tiêm phòng dại nói trên, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân tiêm đủ 5 mũi, còn lại (khoảng 70%) bỏ mũi, không tiêm đủ, đúng theo quy trình. Số bệnh nhân bỏ mũi đa số rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số, có thể do nhà ở xa nơi tiêm; điều kiện kinh tế khó khăn hoặc chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại”.
Bác sĩ Căn giải thích, nếu tiêm vắc-xin phòng dại không đủ liều (5 mũi, không đúng khoảng cách thời gian, mũi sau cùng là ngày thứ 28 kể từ mũi tiêm đầu), sẽ không có tác dụng tạo kháng thể dại trong cơ thể bệnh nhân để chống lại vi-rút gây dại, không cho nó phát tác, gây nguy hiểm tính mạng.
Cũng theo Trung tâm Y tế huyện Sa Pa, trong tháng 5 và 6-2015, trên địa bàn huyện Sa Pa đã có hai nạn nhân tử vong do bệnh dại (do chó dại cắn). Nạn nhân Cứ A Sinh, 26 tuổi, ở thôn Móng Sến, xã Trung Chải (Sa Pa), bị chó dại cắn vào ngón tay phải. Do chủ quan, không tiêm phòng dại, gần ba tháng sau, nạn nhân thấy mệt mỏi, chán ăn, sợ gió, tiếng động và nước… khi đó, người nhà mới đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa cứu chữa, nhưng đã muộn. Nạn nhân Sinh tử vong ngày 22-5-2015, sau một ngày được đưa tới bệnh viện.
Trường hợp nạn nhân Má A Hanh, 12 tuổi, trú tại xã Sa Pả, bị phát cơn dại và tử vong nhanh hơn, chỉ sau hơn một tháng kể từ khi bị chó dại cắn vào sống mũi. Cũng do chủ quan, không tiêm phòng, khi lên cơn co giật, sùi bọt mép, ngày 1-6-2015, gia đình mới đưa Hanh đến Bệnh viện Đa khoa Sa Pa, nhưng bệnh dại đã tiến triển nặng đến giai đoạn cuối, Hanh tử vong tại bệnh viện ngày 3-6-2015.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện phối hợp Đài Truyền thanh - truyền hình huyện và chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại. Tập trung khuyến cáo người dân cần phải đến cơ sở y tế tiêm phòng ngay trong trường hợp bị chó, mèo cắn (cào xước) nghi có dại; tiêm đủ mũi, đúng khoảng cách thời gian; không giết mổ, ăn thịt chó, mèo bị dại…
Tác nhân lây truyền bệnh dại sang người chính là từ đàn chó, mèo ở địa phương. Theo Trạm Thú y huyện Sa Pa, toàn huyện đang có khoảng 4.500 con chó và hàng trăm con mèo được nuôi tại các hộ dân cư vừa để giữ nhà, săn thú, bắt chuột, sử dụng làm thực phẩm hoặc bán lấy tiền; trong đó nhiều nhất là ở thị trấn Sa Pa khoảng 700 con, tiếp đến là xã Sa Pả khoảng 500 con, xã Tả Giàng Phình khoảng 400 con… Các giống chó, mèo nuôi tại Sa Pa chủ yếu là giống địa phương (giống chó của người Mông, có đặc tính tinh khôn nhưng hoang dã, bản năng tự nhiên cao).
Ông Ngô Xuân Cảnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sa Pa chia sẻ: “Nhiều năm trước, ở xứ lạnh Sa Pa ít xảy ra bệnh dại trên đàn chó, mèo. Năm 2012 và 2013 bệnh dại xuất hiện ở khu vực thị trấn Sa Pa và một vài xã lân cận; năm 2014 tạm lắng xuống; đến mùa hè năm nay, bệnh dại “quay trở lại” với cường độ mạnh hơn, nhanh hơn, nguy hiểm hơn”.
Theo ông Cảnh, có hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dại trên đàn chó, mèo ở địa phương, đó là: nắng nóng kéo dài, với cường độ mạnh là tác nhân gây bệnh dại cho chó, mèo ở địa phương và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tại Sa Pa tăng cao do lượng khách du lịch tăng đột biến, dẫn tới việc khó kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm tại Sa Pa, làm lây lan các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh dại.
Hiện tại, Trạm Thú y huyện chỉ có sáu cán bộ, cùng với khoảng gần 20 thú y viên ở các xã, thị trấn đang “căng ra” tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo; ưu tiên tiêm triệt để 100% cho các vùng “trọng điểm” đông dân cư; gần đường quốc lộ; nơi có các tour, tuyến du lịch, đó là: thị trấn Sa Pa, các xã Tả Phìn, Sa Pả, Tả Van, Bản Hồ… Tính đến nay, Trạm Thú y huyện Sa Pa đã tiêm phòng cho 3.700/4.500 con chó, đạt 82% tổng đàn, góp phần tích cực khống chế bệnh dại./.
Theo nhandan.com.vn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét