Theo BS Nguyễn Đông Hải, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), những ngày nắng nóng vừa qua trẻ em bị các bệnh lý viêm đường hô hấp vào khoa khám vẫn đông, duy trì ở mức trên 40% trong tổng số trẻ đến khám. Đáng nói, trong đó nhiều trường hợp ốm sốt, cảm nhiệt, cảm lạnh (do ngấm mồ hôi) vì không chịu nổi thời tiết nóng bức hầm hập những ngày qua.
Tương tự, tại khoa Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhi đến khám vẫn duy trì ở mức cao và phổ biến nhất vẫn là trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Nắng nóng là tác nhân khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh lý say nóng, sốt, viêm đường hô hấp trong thời gian qua. Ảnh: H.Hải
Trẻ sốt cao vì môi trường không thuận lợi
Chị Nguyễn Thị Lý (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) đưa con nhỏ 4 tuổi đến khám tại khoa Nhi cho biết, sáng ra khi chị đi làm con vẫn bình thường mà chiều đã được người giữ trẻ trong khu trọ thông báo con chị đang sốt hầm hập.
Vội về đưa còn vào viện, sốt đến 39 độ nhưng mũi họng không viêm. Bác sĩ nói theo dõi sốt vi rút do nắng nóng và dặn phải cách ly khỏi môi trường nắng nóng. Mình nghỉ ở nhà 2 hôm chăm con thì cu cậu khỏi dù chỉ cần dùng thuốc hạ sốt thông thường.
Lúc này, hỏi bà giữ trẻ trong khu mới biết bà trông đến 10 đứa trẻ cả lớn cả bé trong căn phòng tập thể rộng hơn 20m2 nhưng không bật điều hòa vì sợ tốn điện. “Nóng bức như thế này, từng đó đứa trẻ ở trong một căn phòng, rồi chạy nhảy, nô đùa quạt làm sao đủ mát”, chị Lý nói.
Theo BS Hải, nhiều trẻ đến khám có biểu hiện sốt do say nóng. Trẻ đang khỏe mạnh nhưng ở trong điều kiện không thuận lợi (nhà chật hẹp không có điều hòa, nhà mái tôn nóng bức, chạy nhảy chơi đùa ở môi trường nắng nóng...). Những trẻ này khi đến viện chỉ có duy nhất biểu hiện của sốt nên thường chỉ cần cách ly khỏi môi trường nắng nóng là hết sốt.
Bên cạnh đó cũng có nhóm trẻ bị các bệnh lý viêm đường hô hấp, ho, viêm phổi vì nhiễm lạnh do trẻ chơi đùa ra nhiều mồ hơi ướt sũng mà người lớn không để ý thay đồ cho trẻ. Mồ hôi ra liên tiếp, ướt áo, ngấm lại vào cơ thể. Có nhiều trẻ đang chơi nóng quá mồ hôi mồ kê nhễ nhại ra đứng ngay trước quạt... làm cơ thể bị nhiễm lạnh gây ho, sốt. Trẻ cũng có thể cảm lạnh do cha mẹ cho trẻ ngủ ở phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp, sử dụng quạt thốc thẳng vào mặt. Nhiều cha mẹ lại sai lầm cho trẻ tắm mát ngay khi vừa chạy nhảy, vận động, khi tắm cho trẻ ngâm mình dưới nước thời gian lâu rất dễ bị cảm lạnh.
Nhắc trẻ uống nước!
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) lý giải nguyên nhân trẻ sốt khi nắng nóng, ngoài yếu tố nền nhiệt môi trường quá nóng thì có nguyên nhân lớn do trẻ bị mất nước, không được bù nước đúng cách.
Nhiều người quan niệm, mất nước chỉ xảy ra khi người bệnh bị đi ngoài, nôn. Nhưng thực tế, đi dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ C ngoài đường, lượng nước trong cơ thể bị “bốc hơi” nhanh qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước lọc nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi đó, cơ thể sẽ mệt mỏi, choáng, dễ gây sốt, trong nhiều trường hợp mất nước nặng khi đi ngoài nắng khiến người bệnh dễ bị say nắng, gây nhức đầu, khó thở…
Theo TS Dũng, tình trạng mất nước đáng ngại nhất là ở trẻ nhỏ và người già. Ở trẻ nhỏ không chỉ chịu tác động của nền nhiệt cao, mà trẻ em là đối tượng rất hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nên lượng mồ hôi ra nhiều hơn rất nhiều người lớn. Không hiếm gặp những em bé vừa thay áo, chạy 5 - 10 phút thì đầu tóc lại ướt dòng dòng, mồ hôi thấm đẫm lưng áo. Nếu không được bù nước đúng cách trẻ rất dễ bị tăng thân nhiệt, sốt vì mất nước.
Còn nhiều trẻ, ngày đùa đó, đêm lại sốt đùng đùng, sáng mai lại hạ sốt bình thường như không, đó chính là hiện tượng sốt do mất nước. “Mất nước ở trẻ em dễ gây sốt do cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khả năng điều nhiệt kém, nên gặp thời tiết nắng gay gắt, mất nước nhiều trẻ dễ bị sốt hơn người lớn”, TS Dũng giải thích.
Vì thế, để chống nắng nóng mùa hè ngoài việc ở môi trường thoáng, đội mũ che chắn kĩ khi ra ngoài thì việc bù nước là vô cùng quan trọng. Hãy nhớ nguyên tắc, mùa hè nắng nóng luôn phải mang theo nước bên mình, hãy luôn nhắc trẻ uống nước đừng để trẻ mải chơi, đến khi khát nước quá mới về nhà tu cả bình nước sẽ không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất là uống nước từ từ, từng ngụm nhỏ, lúc lại uống và ghi nhớ đừng để khi cảm thấy khát mới uống.
Trong thời tiết nắng nóng này, với những người mất nước quá nhiều qua hiện tượng tuốt mồ hôi như ở trẻ em đùa nghịch, người làm việc ngoài đường nắng nóng… thì chỉ uống nước thôi chưa đủ, mà hãy pha dung dịch oresol theo tỷ lệ đúng để dùng thay thế nước lọc, sẽ giúp cơ thể bồi phụ lượng nước, muối khoáng, đường mất qua mồ hôi. Hoặc có thể uống nước chanh tươi pha với một nhúm muối giúp cơ thể lại sức nhanh chóng.
Còn khi trẻ bị sốt, hãy bình tĩnh theo dõi, hạ sốt cho trẻ bằng thuốc paracetamol với liều 15/kg cân nặng từ 4 - 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên rồi mới đến viện. Tránh tình trạng có nhiều cha mẹ vừa thấy con sốt cuống cuồng đi viện bất chấp giữa trưa nóng. Thân nhiệt trẻ đang cao lại “cộng hưởng” bởi nền nhiệt ngoài trời lên tới 40 - 45 độ trẻ càng sốt cao hơn. Hãy bình tĩnh hạ sốt cho trẻ rồi có thể đợi trời bớt nắng mới đưa trẻ đến viện. Trừ những trường hợp trẻ sốt cao đột ngột, lơ mơ, bức dứt... cần đưa trẻ đi khám ngay nhưng cố gắng di chuyển bằng taxi, che chắn nắng cho trẻ...
Theo dantri.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét