Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Sơ cấp cứu khi bị bỏng hóa chất

Đưa nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng, loại bỏ quần áo hay đồ trang sức dính hóa chất, tưới nước rửa sạch vùng da bỏng... sau đó chuyển ngay đến bệnh viện cấp cứu.  

Vụ nổ do cháy bột màu tạo hiệu ứng sân khấu tại Đài Loan khiến hàng trăm người bị thương, nhiều nạn nhân bị bỏng đến mức "lột da". Cách thức và thời gian sơ cứu ban đầu góp phần hạn chế đáng kể tác hại của bỏng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bỏng hóa chất chiếm khoảng 5-6% trong các loại bỏng. Bỏng hóa chất có thể xảy ra trong gia đình, tại nơi làm việc hay trường học, hoặc kết quả của tai nạn, hành hung. Một số hóa chất khi tác dụng trên da và niêm mạc còn ngấm theo đường mạch máu vào cơ thể và có thể dẫn tới tử vong. Các hóa chất thường gây tổn thương bỏng gồm axit và base.
Cơ chế gây bỏng
Khi axit tiếp xúc với da làm ngưng kết protein của mô và hút nước của tế bào. Nồng độ axit càng đậm đặc và thời gian tiếp xúc kéo dài thì hiện tượng ngưng kết càng nhanh và mạnh, bỏng càng sâu.
Khi base tiếp xúc với da làm tan rã protein các mô và kết hợp với các protein đã bị lỏng thành proteinat kiềm.
Nạn nhân bị bỏng ở Đài Loan được đưa đi cấp cứu trên phao. Ảnh: Chao Shuang-chieh

Tác hại của bỏng hóa chất với cơ thể
Mô tổn thương do bỏng hóa chất phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
- Đặc tính hóa học và vật lý của hóa chất.
- Nồng độ hóa chất.
- Thời gian tác dụng.
- Đặc điểm vùng cơ thể bị.
- Cách thức và thời gian được cứu chữa ban đầu.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bỏng hóa chất bao gồm:
- Da bị đỏ, ngứa ngáy, đau ở vị trí tiếp xúc.
- Đau hoặc tê ở chỗ tiếp xúc.
- Hình thành các mụn nước hoặc da chết đen ở chỗ tiếp xúc.
- Thị lực thay đổi nếu hóa chất bị văng vào mắt.
- Ho hoặc khó thở.
- Nôn
Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể phát triển những triệu chứng huyết áp thấp, da xanh tái, khó thở hoặc ho nặng, đau đầu, cơ bắp co giật, ngừng tim hoặc nhịp tim không đều.
Xử trí tại chỗ khi bị bỏng
1. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt.
2.  Loại bỏ quần áo, giày dép hoặc đồ trang sức dính hóa chất.
3.  Tưới, ngâm rửa nước sạch: Đặt da vùng bỏng dưới vòi nước lạnh, đang chảy trong 20 phút hoặc hơn. Nếu bỏng da do các hóa chất dạng bột như vôi bột…, cần loại bỏ bột này trước khi rửa da dưới vòi nước.
4.  Trung hòa tác nhân gây bỏng.
Trung hòa axit bằng dung dịch Natri bicacbonat 10-20%, nước xà phòng, nước vôi nhì 5%. Có thể dùng bột phấn viết, xà phòng đánh răng, bột hydroxyt magie rắc hoặc xoa trên tổn thương bỏng.
Trung hòa base bằng axit axetic 6%, dung dịch amoniclorua (NH4Cl) 5%, axit boric. Nếu không có dung dịch trên dùng nước dấm, nước chanh, nước đường 20%.
5. Che phủ nhẹ nhàng vùng bỏng với khăn sạch hoặc khăn vô trùng.
6.  Bù nước và điện giải sau bỏng.
7. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
8. Nếu bạn không chắc chắn về hóa chất gây bỏng, hãy mang theo nhãn hoặc vỏ bình chứa hóa chất gây bỏng khi đưa nạn nhân đi khám cấp cứu.
Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy
Theo vnexpress.net




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét