Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Ngành Y tế Hà Tĩnh vinh danh 61 cán bộ điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015.

Sáng 30/6, Sở Y tế Hà Tĩnh tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến ngành y tế giai đoạn 2010 - 2015.

Tham dự hội nghị có GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh; cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế Hà Tĩnh.
GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị

Trong những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua được phát động như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện quy tắc ứng xử và xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế mẫu mực với các tiêu chí “3 xây, 3 chống và 3 biết”; xây dựng bệnh viện đạt tiêu chí khá, tốt; thi đua xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp-an toàn; thi đua thực hiện cải cách hành chính và kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020; nghiên cứu khoa học, lao động giỏi, lao động sáng tạo; thực hiện chuẩn đạo đức điều dưỡng viên…Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chủ động, kịp thời. Công tác bảo đảm ATTP được kiểm soát và tăng cường. Việc tổ chức đấu thầu thuốc chữa bệnh cho các cơ sở KCB bước đầu khắc phục được tình trạng một số thuốc, biệt dược bị đẩy giá lên cao, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc cho công tác KCB, phòng chống dịch…

Đặc biệt, từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa và được nhân rộng trong toàn ngành. Trong 5 năm qua, ngành được Đảng, Nhà nước và Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ Y tế tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động, Cờ thi đua xuất sắc; có 2 thầy thuốc được tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, 21 thầy thuốc được tặng danh hiệu thầy thuốc ưu thú, 1 tập thể được Chỉnh phủ tặng cờ thi đua xuất sắc, 15 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao chứng nhận cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ngành Y tế Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2015

Phát biểu tại hội nghị GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh:Làm công tác thi đua khen thưởng tựa người trồng hoa. Muốn có bông hoa đẹp thì phải thường xuyên chăm lo, vun trồng. Nhiều bông hoa đẹp thì có vườn hoa đẹp. Trong quá trình chăm sóc những bông hoa thì phải luôn đề phòng sự xâm lấn của "cỏ dại", theo dõi chặt chẽ, phát hiện mầm mống tiêu cực là phải xử lý triệt để ngay. Có như vậy mới thực sự tạo được hiêu quả thực chất và sức lan tỏa tốt"...

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, biểu dương và chúc mừng những thành quả mà ngành Y tế Hà Tĩnh đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị ngành Y tế Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao các phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử và quy chế xây dựng dân chủ cơ sở, xây dựng hình ảnh người y tế mẫu mực với các tiêu chí “3 xây, 3 chống, 3 biết”. Đặc biệt, ngành cần chú ý nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo quyết liệt phát triển chuyên môn, chuyên sâu, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và sự hài lòng của người dân…
Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị đã tôn vinh 10 tập thể và 51 cá nhân trong ngành có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.

                                                                                            Nguồn: Ban biên tập Cổng TTĐTBYT





















Một gia đình dân tộc Vân Kiều bị ngộ độc nấm lạ được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống.

Vào lúc 22 giờ 15 phút ngày 28/6/2015, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị tiếp nhận một gia đình dân tộc Vân Kiều gồm 6 người ở thôn Up Ly 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa được BVĐK huyện Hướng Hóa chuyển tới với chẩn đoán ban đầu là bị ngộ độc nấm. 
Hồ A Chưa được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Bội Nhiên)

Sáu người bệnh này là Hồ Văn Xây (42 tuổi, bố), Hồ Thị Yên (42 tuổi, mẹ) và các con trai Hồ A Chưa (16 tuổi), Hồ A Na (13 tuổi), Hồ Văn Ka (6 tuổi), Hồ Văn Ra (4 tuổi). Bệnh án của Hồ A Chưa ghi rõ người bệnh vào viện trong tình trạng buồn nôn, nôn ra dịch có màu trắng xanh, mạch quay nhanh 130 lần/phút, huyết áp đo được 90/60 mmHg, đại tiện phân lỏng, tiếp xúc được, mệt, khát nước. 9 giờ 30 phút ngày 29/6/2015, Hồ A Chưa cho biết: Bố đi câu cá ở sông Sê Pôn xong vào rừng thì thấy một cây nấm có tai màu đỏ, thân màu trắng liền nhổ mang về nhà. Không biết là nấm gì nhưng bố mẹ kho nấm với muối và mì chính để ăn. 14 giờ hôm qua, cả nhà cùng ăn nấm. Khoảng 30 phút sau khi ăn, người bố có cảm giác ngứa trong cổ họng và nôn mửa, rồi các em của Chưa cũng bị nôn, chóng mặt và đau bụng, đi ngoài tóe nước và do ăn nhiều hơn nên bố và Chưa bị nặng nhất.
Với chẩn đoán ngộ độc nấm, các y, bác sỹ của BVĐK tỉnh Quảng Trị đã đặt sonde dạ dày kết hợp điều trị nội khoa, chăm sóc tích cực đối với 6 người bệnh. Đến sáng 29/6/2015, cả 6 người bệnh đều đã qua khỏi nguy hiểm do độc tố của nấm lạ gây ra.

                                             Theo NGUYỄN BỘI NHIÊN - Quảng Trị






Lễ phát động hưởng ứng Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” năm 2015.

Sáng ngày 30/06/2015 tại Lào Cai, Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Namphối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cùng nhà tài trợ Vim phát động Chiến dịch chung tay phòng, chống dịch bệnh năm 2015, hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – phát biểu tại lễ phát động


Tham dự Lễ phát động có đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế;  Bà Trương Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam; đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai; Lãnh đạo một số Vụ/Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; đại biểu các Bộ, Ban/Ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội Trung ương và tỉnh Lào Cai; đại diện các Sở Y tế khu vực phía Bắc; đông đảo cán bộ, nhân dân, học sinh, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cùng các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương đã về dự và đưa tin cho Lễ phát động.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân. Ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 02 tháng 7 hằng năm là “ Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Chủ đề của Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2015 là “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” nhằm thể hiện sự chung tay của toàn xã hội, của toàn cộng đồng trong công tác vệ sinh yêu nước, phòng, chống dịch bệnh.Đây cũng là hoạt động để tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo báo cáo hiện nay một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành và có xu hướng gia tăng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não… Đến 26/6/2015 cả nước ghi nhận 14.474 trường hợp mắc SXH tại 43 tỉnh, thành phố và có 12 trường hợp tử vong. Đối với bệnh tay chân miệng, tích lũy từ đầu năm 2015 đến nay có tất cả 21.165 ca mắc tại 62 tỉnh, thành phố trong đó có 4 ca tử vong. Nhiều người chưa có thói quen rửa tay với xà phòng thường xuyên, một số người dân còn có thói quen ăn tiết canh, ăn rau sống, gỏi tôm, cá dễ dẫn đến mắc một số bệnh như nhiễm liên cầu lợn, tiêu chảy, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9)..

Để nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian tới Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các cấp Ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân các tỉnh, thành phố, hưởng ứng mạnh mẽ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, biến những hành động từ các phong trào, chiến dịch thành các công việc thường xuyên, thói quen hàng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi, từ những việc nhỏ nhất như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đến giữ gìn vệ sinh riêng của mỗi gia đình, vệ sinh nơi công cộng, cơ quan, đơn vị. Thứ trưởng hy vọng và tin tưởng rằng với sự vào cuộc và tham gia của tất cả các cấp, các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân phong trào “vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” của chúng ta sẽ ngày càng phát triển bền vững, góp phần đầy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, trở thành nép đẹp văn hóa trong đời sống nhân dân.

Lễ phát động tổ chức tại TP Lào Cai nhằm ba mục tiêu chính:  Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng; vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh trong lao động. Trong đó, chú trọng bảo đảm cho người dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, đủ nước sạch và thu gom, xử lý chất thải đúng quy định.

Một số hình ảnh tại Lễ phát động:



Các đại biểu tham dự Lễ phát động tham dự sự kiện rửa tay phòng, chống dịch bệnh

Các đại biểu gửi tin nhắn tham gia chương trình hưởng ứng phong trào chung tay phòng chống dịch bệnh.

Toàn cảnh Lễ phát động

Nguồn: Ban biên tập Cổng TTĐTBYT






Bí quyết bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng cho người lao động.

Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như: say nắng, say nóng, đột quỵ do nắng nóng...
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, mùa hè năm 2015 sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và người lao động.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trong mùa nắng nóng, Cục Quản lý môi trường y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động” để giúp người dân có những kiến thức cơ bản, chủ động phát hiện và thực hiện các biện pháp xử trí, phòng chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, vào mùa nắng nóng, người lao động có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức rất dễ bị say nắng, say nóng, đột quỵ do nắng nóng... (Ảnh minh họa: Internet)
Những đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai; Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức: người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép…; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…
Những biểu hiện khi gặp vấn đề sức khỏe trong thời tiết nắng nóng:
Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt... là những biểu hiện khi làm việc lâu ngoài trời nắng. Ảnh: Internet.
Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.
Mức độ nhẹ: mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.
Mức độ nặng: đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.
Biện pháp xử trí:
Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp như sau:
Mức độ nhẹ:
- Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió.
- Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.
- Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
- Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.
- Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.
Mức độ nặng:
Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Phòng ngừa các bệnh do nắng nóng thế nào?
Trong thời tiết nắng nóng, cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. (Ảnh minh họa: Internet)
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân, người lao động nên hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.
Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Lời khuyên với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng:
Các chuyên gia khuyến cáo, những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.
Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.
Thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió.
                                                  Theo Cục Quản lý Môi trường y tế




Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh.

Ngày 27-6, tại Ninh Bình đã diễn ra hội nghị thường niên câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh phía bắc năm 2015. Đây là diễn đàn nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chất lượng bệnh viện; tăng cường hợp tác và sự trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật giữa các bệnh viện.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong những năm qua, hoạt động của câu lạc bộ giám đốc bệnh viện đã có tác động tích cực đến hệ thống bệnh viện, tạo sự gắn kết, hợp tác hỗ trợ giữa các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, các trường đại học, cao đẳng y tế trong chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành y tế.
Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải không ngừng phấn đấu và gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển và hoàn thiện. Nổi lên là tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nguy hiểm xuất hiện, các nhóm bệnh không lây nhiễm gia tăng, thiên tai và ô nhiễm môi trường, ngân sách cho hoạt động bệnh viện ngày càng thu hẹp, nhu cầu về nguồn nhân lực y tế ngày càng cao… đang là những rào cản cho phát triển bệnh viện. Bên cạnh đó, thái độ, phong cách phục vụ của một số nhân viên y tế đang làm xói mòn niềm tin của người bệnh và nhân dân. Việc hội nhập, cạnh tranh của y tế Việt Nam với khu vực và thế giới ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong hợp tác, phát triển khoa học công nghệ y học của các bệnh viện Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều thay đổi, nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng đâu đó trong ngành vẫn tồn tại hình ảnh về cơ chế “xin cho”, cơ chế bao cấp đối với người bệnh vẫn tồn tại và người bệnh vẫn còn gặp khó khăn, phiền hà khi tới bệnh viện khám chữa bệnh viện. Điều đó đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới sâu rộng toàn diện về tư duy và hành động với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm để phục vụ.
Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện cần tập trung thực hiện tốt năm ưu tiên: đổi mới phong cách phục vụ làm hài lòng người bệnh; tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải; đổi mới cơ chế tài chính; đẩy mạnh truyền thông không chỉ giúp người dân cách phòng chống dịch bệnh, tự bảo vệ sức khỏe mà còn quảng bá hình ảnh bệnh viện; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp - thân thiện gắn với chương trình phòng chống nhiễm khuẩn chống lây chéo trong bệnh viện.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai ký cam kết việc thực hiện đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ nâng cao sự hài lòng của người bệnh giữa Bộ Y tế với một số bệnh viện tuyến trung ương và các giám đốc sở y tế. Tại địa phương, các bệnh viện sẽ ký cam kết với lãnh đạo sở y tế. Bộ Y tế, sở y tế và các bệnh viện tiếp tục duy trì đường dây nóng y tế đi liền với thanh kiểm tra và khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế và bệnh viện trung ương sẽ tiếp tục triển khai Đề án giảm tải bệnh viện với mục tiêu tất cả các tỉnh, thành phố tham gia Đề án để các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn của y tế tuyến dưới.
Đối với vấn đề đổi mới cơ chế tài chính y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Nếu không đổi mới cơ chế tài chính thì khó có thể nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và tái tạo sức lao động của cán bộ ngành y. Vì vậy, tới đây, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư quy định giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố theo đúng lộ trình đã được phê duyệt. Đồng thời thí điểm cho các bệnh viện phát triển mô hình hợp tác công tư, phát triển khu kỹ thuật cao do doanh nghiệp đầu tư ngay trong bệnh viện công./.
Theo Nhandan.com.vn




Viện Pasteur TP.HCM đón nhận danh hiệu anh hùng lao động.



Trải qua 124 năm xây dựng phát triển, Viện Pasteur đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu y học và phòng ngừa dịch bệnh.

Sáng nay (28/6), Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ đón danh hiệu Anh hùng Lao động- phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng đơn vị nhằm ghi nhận những đóng góp của Viện trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu, bệnh viện, Trung tâm dịch tễ các tỉnh khu vực phía Nam và các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế trong nước và tổ chức quốc tế.
Chủ tịch nước gắn Huân chương Anh hùng Lao động cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh

Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 1891 bởi bác sĩ Albert Calmette- một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học Luis Pasteur, tiền thân là Viện Pasteur Đông Dương. Đây là Viện Pasteur đầu tiên được thành lập ngoài nước Pháp của Viện Pasteur Paris. Viện có chức năng nghiên cứu nghiên cứu và sản xuất thuốc tiêm ngừa phục vụ việc phòng ngừa dịch bệnh dại toàn Đông Dương thời bấy giờ.
Trải qua 124 năm xây dựng phát triển, Viện Pasteur đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu y học và phòng ngừa dịch bệnh. Trong nửa đầu của thế kỷ 20, Viện Pasteur Sài Gòn là nơi sản xuất và cung cấp vaccine đậu mùa, dại, BCG, tả, dịch hạch... cho cả Đông Dương. Viện còn là nơi triển khai các hoạt động y tế cộng đồng như khám điều trị phong, phòng chống sốt rét, kiểm định chất lượng nguồn nước và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh

Sau năm 1975, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y học dự phòng. Viện là đơn vị phụ trách những dự án quốc gia về tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống HIV... ở 20 tỉnh thành phía Nam. Các thành quả về thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, phòng chống cúm A/ H1N1 đại dịch 2009 đều có sự đóng góp của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những thành tích, công lao bền bỉ, thầm lặng của tập thể, cán bộ, công viên chức, người lao động của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh 40 năm qua đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những đóng góp to lớn vào lĩnh vực y tế dự phòng của đất nước.
Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng ba cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Viện Pasteur 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho các cá nhân xuất sắc của Viện Pasteur

Viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học vào phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng được màng lưới vệ sinh phòng dịch tại tất cả các tỉnh, thành phố phía nam; chỉ đạo về chuyên môn, phối hợp với các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng, các bệnh viện khu vực phía Nam khống chế thành công nhiều bệnh dịch nguy hiểm, góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực y tế dự phòng của đất nước; mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cảm ơn các nước, các tổ chức, bạn bè quốc tế đã tích cực giúp đỡ Việt Nam trong các hoat động y tế dự phòng trong những năm qua, Chủ tịch nước mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ hiệu quả trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh, tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu trên thế giới đang và sẽ phát sinh nhiều bệnh dịch nguy hiểm mới, trở thành vấn đề an ninh toàn cầu, Chủ tịch nước nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, ngành y tế nói chung, lĩnh vực y học dự phòng nói riêng có vai trò và trách nhiệm to lớn.
Chủ tịch nước đề nghị: “Ngành y tế cần phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, trình độ khoa học chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cần phát huy truyền thống 124 năm hình thành và phát triển, những thành tựu của 40 năm qua, phấn đấu để không chỉ là Viện hàng đầu của cả nước mà còn trở thành viện có uy tín cao trong khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực y tế dự phòng, có nhiều đóng góp hơn nữa cho công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước tin tưởng cán bộ làm công tác y tế dự phòng trong cả nước nói chung, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nói riêng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần bảo vệ, chắc sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe nhân dân./.




Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Tuyên bố của WHO về cuộc họp lần thứ IX của Ủy ban khẩn cấp bàn về MERS-CoV theo điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế

Ngày 16/6/2015, cuộc họp lần thứ chín của Ủy ban khẩn cấp (Emergency Committee -EC) đã được triệu tập theo điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế (IHR 2005) để bàn về Hội chứng hô hấp vùng Trung đông (MERS-CoV). Cuộc họp được tiến hành với các thành viên và cố vấn của Ủy ban Khẩn cấp bằng phương pháp trực tuyến bàn về vụ dịch ở Hàn Quốc.

Phòng chống MERS-CoV ở Arập Xêút (Nguôn Internet)

Ban thư ký WHO cập nhật cho Ủy ban về các phát triển dịch tễ học và khoa học, kể cả các ca bệnh gần đây và cách thức lây nhiễm ở Hàn Quốc và Trung Quốc, đánh giá các nguy cơ liên quan, các biện pháp kiểm soát và phòng chống. Những nước này cung cấp thông tin cập nhật và đánh giá về tình hình và sự phát triển MERS-CoV trong nước của mình.
Các thành viên và các cố vấn của Ủy ban- những người gần đây đã tham gia phái bộ liên hợp của WHO và Cộng hòa Hàn Quốc về MERS, đã được mời để chia sẻ những quan sát của họ dựa trên kinh nghiệm.
Ủy ban ghi nhận sự đánh giá của
Phái bộ liên hợp đề cập đến các yếu tố chính góp phần vào sự lan truyền của MERS-CoV tại Hàn Quốc là:
  • Thiếu nhận thức trong nhân viên y tế và công chúng nói chung về MERS;
  • Các biện pháp phòng, chống và kiểm soát lây nhiễm dưới mức tối ưu trong bệnh viện;
  • Tiếp xúc gần gũi và kéo dài với bệnh nhân nhiễm MERS trong phòng cấp cứu đông đúc và ở các phòng có nhiều giường bệnh trong bệnh viện;
  • Thực hành việc tìm kiếm sự chăm sóc ở nhiề bệnh viện ("bác sĩ hàng hiệu");
  • Phong tục tập quán của nhiều người viếng thăm và các thành viên gia đình ở lại với các bệnh nhân bị nhiễm MERS trong các phòng của bệnh viện làm lây nhiễm  thứ phát trong những người tiếp xúc.
Ủy Ban khen ngợi Hàn Quốc cung cấp thông tin một cách nhanh chóng theo IHR về một du khách bị nhiễm, tạo điều kiện cho Trung Quốc nhanh chóng xác định vị trí, cách ly và cung cấp sự chăm sóc cho các cá nhân và kiểm dịch các người tiếp xúc với ông ta.
Ủy ban lưu ý rằng bằng chứng sẵn có về chuỗi trình tự gen đã không xác định bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào ở các virus được lấy từ các trường hợp ở Hàn Quốc so với các virus từ Trung Đông. Giám sát liên tục sự thay đổi di truyền tiềm năng trong những loại virus này là rất quan trọng. Trong vụ dịch này, việc lan truyền MERS-CoV có liên quan chặt chẽ với cơ sở y tế. Khía cạnh này nhấn mạnh sự cần thiết cho cơ quan y tế làm mọi nỗ lực có thể để đảm bảo rằng các biện pháp phòng chống và kiểm soát việc lây nhiễm hiệu quả được đưa ra ở mọi lúc.
Hiện tại, không có bằng chứng về sự lây truyền bền vững trong cộng đồng. Ủy ban lưu ý rằng các biện pháp y tế công cộng tiếp theo nhằm ngăn chặn vụ dịch, bao gồm những nỗ lực lớn để tăng cường theo dõi người tiếp xúc và các bước để đảm bảo rằng các ca bệnh và những người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh) được giám sát, kiểm dịch và cách ly một cách thích hợp và họ không đi du lịch, xuất hiện phải trùng hợp với một sự giảm các ca mắc mới. Tuy nhiên, giám sát chặt chẽ tình hình vẫn rất quan trọng để đảm bảo sự lan truyền bị gián đoạn và rằng tất cả các trường hợp mà không có một liên kết dịch tễ rõ ràng nhằm hiểu rõ các chuỗi lan truyền được đánh giá một cách cẩn thận. Trong vài tuần tới, có thể có thêm các ca bệnh được xác định, bao gồm cả những người tiếp xúc là những người không được xác định trong giai đoạn đầu của vụ dịch. Nếu các báo cáo hoặc tin đồn về những người tiếp xúc đi du lịch nước ngoài được xác định thì điều quan trọng là các nước khác thực hiện sự ghi nhận và nhanh chóng đánh giá các khả năng như vậy.
Ủy ban lưu ý rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong kiến ​​thức liên quan đến việc lây truyền virus này giữa con người, bao gồm cả vai trò tiềm năng của ô nhiễm môi trường, thông gió kém và các yếu tố khác, và chỉ ra rằng tiếp tục nghiên cứu trong các lĩnh vực này là rất quan trọng.
Ủy ban bày tỏ sự đánh giá của mình rằng vụ dịch này là một lời cảnh tỉnh và rằng trong một thế giới giao lưu cao thì tất cả các nước phải luôn luôn được chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng bất ngờ của những vụ dịch như thế này, và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Tình hình nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và các ngành quan trọng khác, như hàng không, và tăng cường quá trình truyền thông .
Ủy ban tái khẳng định rằng lời khuyên trước đây của họ vẫn còn phù hợp và cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của Ủy ban đối với các khuyến nghị của Phái đoàn liên hợp.
Ủy ban kết luận rằng các điều kiện cho một tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cần sự quan tâm quốc tế không được đáp ứng.
Đi đến kết luận này, Ủy ban lưu ý rằng vụ dịch đã được phát hiện, và sau một thời gian tổ chức, Hàn Quốc đã bắt đầu hành động mạnh mẽ nhằm đưa vụ dịch này nằm trong tầm kiểm soát. Điều này bao gồm việc sử dụng nhiều phương pháp để xác định địa chỉ người tiếp xúc và đảm bảo việc giám sát và kiểm dịch phù hợp cũng như các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các trường hợp du lịch và tiếp xúc không phù hợp trong khoảng thời gian khi họ có nguy cơ lây nhiễm. Những nỗ lực này phản ánh thông qua các khuyến nghị của phái bộ liên hợp.
Dựa trên sự tư vấn của Ủy ban và thông tin hiện có, Tổng giám đốc chấp nhận đánh giá của Ủy ban. Bà bày tỏ lời cảm ơn đến Ủy ban.
WHO không khuyến cáo việc áp dụng bất kỳ hạn chế nào về thương mại hay du lịch cân nhắc việc sàng lọc tại các điểm nhập cảnh là không cần thiết tại thời điểm này. Nâng cao nhận thức về MERS và các triệu chứng của bệnh trong số những người đi du lịch đến và đi từ các khu vực bị ảnh hưởng là cách thực hành y tế công cộng tốt.
WHO sẽ tiếp tục cung cấp bản
tin cập nhật cho các thành viên Ủy ban và các cố vấn. Ủy ban khẩn cấp sẽ được triệu tập lại khi có yêu cầu.

                                                                                                  ThsBs Lê Thạnh - Quảng Trị

                                                                                                       Dịch từ: who.int.com





Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Nhờ BV vệ tinh, người dân được khám chữa bệnh kỹ thuật cao tại địa phương.

Nhiều kỹ thuật cao trước chỉ làm tại các BV tuyến trên như mổ máu tụ trong não, mổ chấn thương sọ não, thay khớp háng toàn phần với chi phí hàng trăm triệu… thì nay nhiều BV địa phương đã làm thành thường quy. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinhnăm 2013-2014 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì và phát biểu tại hội nghị. Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Viết Tiến, lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố và các Vụ, cục chức năng trực thuộc Bộ Y tế, các BV tham dự hội nghị...
Làm chủ kỹ thuật cao ngay tại tuyến dưới
Trong bài phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau hai năm thực hiện Đề án BV vệ tinh, được sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và sự ủng hộ của các Bộ, ngành và sự tham gia của UBND các tỉnh, thành phố cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các BV hạt nhân và vệ tinh, đến nay Đề án BV vệ tinh của Bộ Y tế bước đầu thu được một số kết quả đáng được khích lệ. Đề án BV vệ tinh mới thực hiện được 2 năm nhưng mạng lưới BV vệ tinh đã được thiết lập một cách chặt chẽ giữa tuyến trung ương và địa phương ở 5 chuyên khoa đang có tỉ lệ quá tải cao là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

48 BV vệ tinh của 37 tỉnh, thành đã hoạt động khá hiệu quả dưới sự trợ lực của 14 BV hạt nhân gồm: Việt Đức, Bạch Mai, BV E, Phụ sản TW, Nhi TW; ĐKTW Huế; Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Nhi Đồng 1 và 2 (TP. HCM). Các chuyên ngành như:ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới; tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật; ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật; nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật; sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật…
Nhờ vậy, đến nay một số BV vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, điển hình là BVĐK tỉnh của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…
Bổ sung thêm thông tin, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, với việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ BV hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các BV vệ tinh đã giảm rõ rệt, 37,5% số BV vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ, ví dụ như BVĐK tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não năm 2013 là 104 ca, năm 2014 còn 12 ca, giảm chuyển tuyến 88,46%; BVĐK tỉnh Phú thọ sau khi được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ung bướu, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật ung bướu tại BV tăng lên: năm 2013 là 2876 ca, năm 2014 là 5535 ca
“Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp cấp cứu, nếu di chuyển xa, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên đường đi nhưng nếu được điều trị ở tuyến dưới, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống. Hơn nữa, khi tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật khó thì sẽ giảm tải cho BV tuyến trên, đỡ gánh nặng ăn ở, đi lại cho bệnh nhân” - PGS Khuê nói.
Người bệnh hưởng lợi
Bị gãy cổ xương đùi phải do tai nạn sinh hoạt, bà Đỗ Thị Hải - 70 tuổi, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - được chỉ định thay khớp háng. Thay vì phải vượt hơn 100 km lên BV Việt Đức ở Hà Nội để mổ thì nay bà Hải được phẫu thuật thành công ngay tại BVĐK Quảng Ninh. Một ngày sau mổ, bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống, tập vận động phục hồi chức năng. Bệnh nhân đã được cho tập đi lại và xuất viện sau 1 tuần điều trị.
BS Nguyễn Trọng Diện, Phó Giám đốc BVĐK Quảng Ninh, cho biếtgãy xương đùi là một chấn thương nặng, phức tạp cần được phẫu thuật. Do khả năng liền xương ở người lớn tuổi kém nên bệnh nhân thường được chỉ định thay khớp háng nhân tạo toàn phần. Theo bác sĩ Diện, vài năm trước, với những kỹ thuật khó như thế này, bệnh nhân thường được sơ cứu sau đó chuyển thẳng về BV Việt Đức nhưng nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ đề án BV vệ tinh, phẫu thuật gãy xương đùi đã trở thành kỹ thuật thường quy của BVĐK Quảng Ninh. Là 1 trong số 7 BV vệ tinh của BV Việt Đức, những năm qua, gần 20 kỹ thuật ngoại khoa, gây mê phức tạp về phẫu thuật sọ não, mạch máu, chấn thương chỉnh hình… đã được BV Việt Đức chuyển giao thành công cho BVĐK Quảng Ninh. Hai năm thực hiện đề án BV vệ tinh, BV ĐK Quảng Ninh đã phẫu thuật 425 ca chấn thương sọ não, trong đó có 37 ca máu tụ trong não, 73 ca ghép khuyết sọ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức và điều trị chấn thương sọ não nặng như đặt máy đo áp lực nội sọ…
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật Tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng trước sự chứng kiến của đoàn công tác Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Ông Trần Bình Giang, Phó giám đốc BV Việt Đức cũng đánh giá: “Sau chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được kỹ thuật khó khá hiệu quả như mổ máu tụ trong não. Trước khi chuyển giao, nhiều nơi chưa thực hiện được nhưng hiện nay thì khác, tỷ lệ chuyển tuyến lên chỉ còn 1-3%”.
Tuy nhiên ông Giang đề xuất, cần lựa chọn kỹ thuật để chuyển giao không phải làm tràn lan, nhưng mổ tim hở chỉ cần một vài nơi làm được. Bên cạnh đó, cần khảo sát đánh giá trước cơ sở vật chất, trang thiết bị của BV vệ tinh trước khi chuyển giao kỹ thuật, tránh tình trạng đạo tạo xong về không thiết bị để làm, học xong phí.
Tại BVĐK Phú Thọ, TS Nguyễn Huy Ngọc, Phó Giám đốc BV cho biết, nhờ triển khai mô hình BV vệ tinh của BV Việt Đức, BV K, BV Bạch Mai mà tỷ lệ chuyển tuyến của BV giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, chuyên ngành ngoại khoa tỷ lệ chuyển tuyến xuống BV Việt Đức của BVĐK Phú Thọ hàng năm là 35-40
% thì hiện nay chỉ còn khoảng 0,9%; hay chuyên ngành ung bướu trước đây là gần 60% thì hiện nay tỷ lệ chuyển tuyến xuống BV K của BV chỉ còn hơn 1,2%...
Thành công của mô hình BV vệ tinh của BVĐK tỉnh Quảng Ninh hay BVĐK Phú Thọ chỉ là một trong những điển hình thành công trong việc triển khai Đề án BV vệ tinh mà Bộ Y tế đã tiến hành thời gian qua.
Không thể giảm tải tuyến trên bền vững nếu không có BV vệ tinh
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ sở hạ tầng tốt hơn tuyến trung ương, trang bị máy móc không kém và thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tốt như các tuyến TW chính là cơ sở để BV vệ tinh giúp giảm tải. Ví dụ như BV Thanh Hóa, Nhi Thanh Hóa nay đều đã có thể mổ tim, trước đó vài ba năm thì không thể làm được. Hay BV Nghệ An, Hà Tĩnh nay còn to đẹp hơn BV Trung ương, thậm chí họ đang hướng tới ghép tạng. Nếu BV vệ tinh không phát triển sẽ không thể giảm tải được vì thế hệ thống BV vệ tinh sẽ tiếp tục được tăng cường.
Các đại biểu tham dự hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án Bệnh viện Vệ tinh năm 2013-2014

“Bộ sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân về những BV quá tải đó có BV quá tải thật, có BV quá tải ảo. Trong nghiên cứu độc lập của chúng tôi thì có 30 -60% bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối tại Trung ương và TP HCM có thể điều trị ở tuyến dưới và thời gian nằm viện có thể rút ngắn; tránh nằm lâu vì dễ nhiễm trùng bệnh viện”, Bộ trưởng đưa ra thông tin
Theo Bộ trưởng, người dân cần tạo ra thói quen khám ở tuyến gần gần nhất có chất lượng cao, ngày càng cao. Về phía Bộ Y tế cũng sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời tiếp tục khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án BV vệ tinh giai đoạn vừa qua, làm cơ sở để xây dựng và phê duyệt Đề án giai đoạn 2016-2020, mở rộng số BV vệ tinh trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu mỗi BV cần đẩy mạnh công tác truyền thồng, nói về cái mình đã làm được để cộng đồng biết, tuy nhiên bên cạnh đó các đồng chí lãnh đạo BV cũng cần thực sự nghiêm khắc với những cán bộ y tế có biểu hiện không đúng mực trong ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã làm việc với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, ngân hàng sẽ cho vay 20 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi tập trung vào xây dựng bệnh viện cơ sở 2 như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy; xây thêm một số tòa nhà mới trong khuôn viên bệnh viện hiện tại, từ đó tăng số giường bệnh. Ngoài ra, gói tín dụng này cũng phục vụ mua sắm trang thiết bị. Bệnh viện không cần tài sản thế chấp mà theo tín chấp của ngành y tế, có thể tự chủ trong vay vốn hoặc đề nghị đề nghị địa phương hỗ trợ một phần. Việc thực hiện vay vốn trên tinh thần công khai, minh bạch, có hiệu quả, bệnh viện được
Thái Bình
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn